19 October 2017

CÁI LOA PHƯỜNG - Mỹ Trí Tử


Thỉnh thoảng nhớ lại những kỷ niệm lúc về thăm Việt Nam, chợt biết là “có những điều nếu không hiểu ngọn ngành thì khó mà chấp nhận được.” Một buổi sáng sớm, tôi đi về phía công viên Lê Nin, ngồi ngắm những đứa bé được ba mẹ dắt đi chơi. Ngày chủ nhật được nghỉ nên bọn trẻ tập trung ở đây rất đông. Đúng như tên gọi, giữa công viên có một bức tượng Lê Nin đứng hiên ngang và vững vàng, tuy rằng vào năm ấy không còn tượng Lenin nào ở những nơi công cộng trên khắp nước Nga nữa. Có một nhóm trẻ ra dáng như đang múa, miệng nghêu ngao hát “Bác Lê Nin ở nước Nga, tại sao lại đứng vườn hoa nước mình?” Rồi chợt một đứa trẻ ngồi gần đó lập lại câu hát và hỏi mẹ tại sao. Người mẹ hơi bối rối chút ít rồi nhìn xung quanh như thể dò xem có ai nghe thấy con mình vừa hỏi không, rồi vội kéo con đi xa khỏi tượng Lê Nin và trả lời với cô bé rằng: “Do vườn hoa nước mình có nhiều loại hoa đẹp nên bác Lê Nin thích con ạ.” Vô tình nghe mà phải cố lắm mới tôi nhịn được cười.
Đôi khi, những cuộc dạo chơi vu vơ như thế lại cho tôi những kỷ niệm khó quên. Trong không gian đó, những chứng kiến vừa rồi khiến tôi không khỏi tự hỏi: “Phải chăng người Việt Nam đã tự tạo cho mình những thói quen để bảo vệ cho mình và người thân bằng cách giả vờ không biết, hoặc lơ đi những điều họ biết”.

Đến gần giữa trưa, nắng hạ bắt đầu dữ dội phô hết sức mạnh của mình. Trên mảnh đất Hà Thành, đâu đâu cũng đều tỏa ra những luồng khí nóng. Sức nóng từ mặt đường tráng nhựa bốc lên, từ tường vách của những ngôi nhà cao ốc hắt xuống, và từ tất cả những máy điều hoà không khí toả ra thêm, khiến chân tôi bước đi mà đầu óc cứ quay cuồng. Sau khi đã đi bộ vài cây số để ngắm phố phường, giờ chỉ cần đi thêm chừng 500 mét để đến nhà tạm trú do người bạn giới thiệu nhưng tôi có cảm giác như đang đi trong sa mạc nhiều ngày. Đoạn đường còn lại quá ngắn nên tôi cũng không dám gọi xe, bởi nghe đồn các dịch vụ ở Hà Nội không mấy đáng tin cậy. Lúc ấy các loại xe trên đường cũng lao vùn vụt, dường như ai cũng muốn di chuyển thật nhanh để tránh thời tiết oi bức này.
Cuối cùng tôi cũng tới nơi sau khi leo lên tầng hai của khu nhà tập thể khá cũ kỹ. Vợ chồng người quen của bạn tôi đều là nhà báo, nghe nói cả hai làm việc khá giỏi, lương mỗi người một tháng cũng hơn 10 triệu đồng nhưng do chi phí nhiều thứ nên cũng chẳng có dư tiền để lắp máy lạnh. Mồ hôi chảy thấm ướt cả áo, tôi uống liền hai ly nước lạnh rồi ngồi ngay trước cái quạt máy cho đỡ nóng. Hai vợ chồng đều không nhịn được cười. Tôi ngủ lại một đêm nơi đây trước khi tiếp tục hành trình.
Dù nằm tại một vị trí khá đẹp và thuận tiện trong khu vực trung tâm của Hà Nội, nhưng vì ngay quận Ba Đình với dân cư vô cùng đông đúc nên nơi này cũng rất ồn ào và tấp nập, vừa có cái lộn xộn của một khu chợ xổm.
Đêm đó tôi lăn trở hoài không ngủ được vì trời vẫn oi ả nóng bức mà chiếc quạt nhỏ thì không thấm vào đâu. Đến gần sáng nhiệt độ giảm xuống, mới vừa chợp mắt được một chút vì quá mệt thì tôi bỗng giật mình nghe tiếng loa phường inh ỏi vang lên một bài nhạc đinh tai. Chất giọng sang sảng của những ca sĩ gạo cội nào đó qua giai điệu của những bài nhạc đỏ nghe thật chát chúa, nào là “Mãi mãi lòng chúng ta ca bài ca người lính, mãi mãi lòng chúng ta vẫn hát khúc quân hành ca”, nào là “Năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay, đã xông trận cả năm người như một …”
Chiếc loa muốn buộc người ta phải nhớ lại những ngày tháng chinh chiến gian lao, đẫm đầy máu và nước mắt. Sau đó là chất giọng the thé của một cô phát thanh viên, nội dung toàn phổ biến những điều lệ do phường tự đặt ra, nào kêu gọi bà con tránh xâm chiếm vỉa hè hay lòng đường, nào kêu gọi đóng góp chi phí gì gì đó, nói chung là đủ thứ linh tinh mà chẳng có gì nghe lọt tai.

Điều tôi nhớ nhất là chiếc loa phường này phát ra tiếng rè rè nên càng làm nhức nhối đầu óc mọi người, càng khiến ai nghe thấy cũng cảm thấy khó chịu, và tôi đã phải cố gắng lắm để tự kềm chế bản thân.
Nghe nói chiếc loa này đã hoạt động lâu năm lắm rồi nên phẩm chất âm thanh rất kém. Nhưng tại sao họ không chịu thay loa mới? Câu hỏi vừa đặt ra và tôi lại tự trả lời, chắc là ngại tốn kém. Tò mò mở cửa sổ nhìn ra, thấy chiếc loa loáng thoáng sau lùm cây, trông nó rất xưa, cũ và xấu xí nữa. Lúc này tôi đã không chịu nổi nữa vì tiếng loa càng ngày càng inh ỏi, tiếng kêu rè rè, thỉnh thoảng lại rú lên hay lại kêu những tiếng sột soạt. Nhìn đồng hồ mới gần 5 giờ sáng, tôi rón rén bước ra khỏi phòng ngủ. Vừa đến phòng khách thì thấy hai vợ chồng chủ nhà đã dậy từ lúc nào, chị vợ thì chuẩn bị bữa ăn sáng, anh chồng vừa pha trà vừa nói với tôi: “Khổ thân chị, chắc không ngủ được vì chiếc loa phường, mấy lần tôi lên phường kiến nghị dẹp nó nhưng họ bàn tới bàn lui mãi vẫn chưa xong, chả hiểu thế nào nữa.” Cô vợ tiếp lời: “Chả dẹp đâu, vì có cái loa phường thì những người già họ mới biết lúc nào có lương hưu. Nhiều người nói cái loa phường tuy rất đáng ghét nhưng nếu dẹp đi thì các bà chắc không biết khi nào có tiền để mà đi nhận. Luật mới họ vừa thông qua, nếu 3 ngày kể từ khi thông báo đã có lương mà không tới nhận thì coi như bị đưa vào công quỹ, người nhận mất quyền lợi, không được khiếu nại.”

Hóa ra, hầu như ai cũng đều không ưa cái loa phường nhưng khi tham khảo ý kiến dẹp loa thì một số vẫn không đồng ý, vì đồng ý thì đồng nghĩa với việc bị mất lương hưu một cách “hợp pháp”, dù luật mới này rõ ràng quá bất công cho người dân. Khổ nỗi tiền lương hưu mỗi tháng không cụ thể hay chính xác là ngày nào, đúng ra là đầu tháng mà có lúc kéo dài đến tận giữa tháng mới phát nên dân cũng không biết đâu mà thu xếp. Vậy nhiệm vụ của loa phường là thông báo, nên người dân đành phải chấp nhận tiếng kêu rè rè, đôi khi không nghe rõ cần thông báo điều gì.
Khi tôi hơi hiểu sự tình về cái loa phường, tự nhiên tôi thấy thương cho cái loa quá vì nó chỉ là vật mà chính quyền đang lợi dụng để hòng chuộc lợi khi có thể. Nếu loa rè quá làm dân không nghe được thông báo thì họ cho số lương hưu vào công quỹ, mà không biết quỹ đó ai sẽ đứng ra chi tiêu? Còn người già được hưởng lương hưu, hay các chế độ trợ cấp thì nếu bỏ những chiếc loa phường ấy thì việc họ lãnh được tiền từ nhà nước càng khó khăn hơn, thế nên họ chấp nhận có nó, cho dù không ít lần nó bị những người nóng tính lấy gạch đá ném vào. Mỗi lần bị ném trúng, nó càng nói không rõ tiếng, âm thanh rè rè càng lớn hơn như đang rên rỉ than van.
Dường như ở một đất nước như Việt Nam, việc hưởng lương hưu hay vài trợ cấp xóa đói giảm nghèo nào đó là một gánh nặng cho nhà cầm quyền, nhưng nếu chế độ còn tồn tại thì không thể xóa bỏ điều này nên phường xã cố nghĩ ra muôn vàn cách thức để bòn mót số tiền ấy, thậm chí họ còn lợi dụng chiếc loa phường cũ kỹ để thông báo những điều lệ không thể chấp nhận được.
Người dân thì chia ra hai kiểu chính, người trẻ thì ham chơi, chẳng cần biết tương lai ngày mai, chúng nó như quá chán nản chế độ và cách biểu đạt của chúng là sống chẳng cần có mục đích, chỉ biết quậy phá, nghiện ngập và sống buông thả. Người già thì vật vờ, chờ đợi chính sách để đời sống được cải thiện, những người có lương hưu thì cứ đợi chờ tới tháng được vài ba triệu sống qua ngày, họ hiểu quá rõ vì đã trải qua những cuộc chiến tàn khốc để rồi hôm nay khi hòa bình trở lại mọi thứ vẫn hỗn độn như cũ hay có khi hơn. Số ít còn lại nếu có điều kiện thì tìm cách đi các nước khác bằng mọi giá, hoặc kiểu gì cũng phải kiếm thật nhiều tiền cho dù phải chà đạp lên nhau hay đôi khi giết hại lẫn nhau. Một xã hội hầu như đã đảo lộn toàn bộ, trật tự nhường chỗ cho mọi thối rữa và dối trá lên ngôi, và chiếc loa phường trở thành một chứng nhân cho cuộc đua của sự điêu ngoa, lừa dối, phủ nhận những giá trị nhân văn cao đẹp vốn cần thiết để cuộc sống con người được thăng hoa.
Khi tôi chia tay, hai vợ chồng người quen của bạn tôi chỉ mỉm cười nhẹ, nụ cười như chất chứa bao nhiêu nỗi niềm. Tôi có cảm giác họ không được sống trong bình yên hạnh phúc, dù họ ý thức và hiểu được tất cả.
Phật đã dạy rằng: “Những ai biết tôn trọng hiện tại, làm điều tốt lành ở hiện tại thì tương lai họ sẽ tốt đẹp, và quá khứ không làm họ hối tiếc ”. Thế nhưng, mấy ai làm được điều nầy cho dù họ đã hiểu và chấp nhận đó chính là chân lý.
Hà Nội ngày ấy, ngày mà chiếc loa phường đã nả vào tai tôi những âm thanh chát chúa như những tiếng đạn bom trong cuộc chiến mà tôi từng chứng kiến và trãi nghiệm ít nhiều. Tuy không thể hoàn toàn so sánh tầm mức của chúng nhưng rõ ràng người dân đã và vẫn đang cam chịu chiếc loa phường như một kiểu tra tấn trong thời bình. Họ sẽ còn bị ám mãi cho tới khi tiền trợ cấp hay lương hưu được gửi đến đúng địa chỉ mà không cần chiếc loa phường cũ nát, tậm tịt, rè khét nào nhắc nhở vào mỗi bình minh…

Mỹ Trí Tử
2017