19 October 2017

eBook - Trịnh Bình An

Mới rồi, anh Song Thao email qua, gởi tặng tôi mấy cuốn Phiếm của anh ở dạng eBook. Một nhà văn thành danh từ Sài Gòn trước 75, ra hải ngoại, sức viết của anh không hề giảm sút, tới nay Song Thao đã có trên 10 tập truyện và 18 tập Phiếm (đang sửa soạn tập 19). Nay, anh chuyển việc phát hành sách qua Amazon với hai loại: sách giấy và eBook.

Vì tựa bài phiếm nào của Song Thao cũng chỉ độc một chữ như Tình, Tiền, Tù, Tội,… nên tôi hỏi đùa, Chắc anh sẽ có bài “eBook” chứ. Song Thao cười bảo: “An viết đi cho tôi đọc ké.”

Tôi là đứa có tính hay tò mò, cái gì cũng thích tìm hiểu, nhưng thường biết rồi để đó hay có làm cũng nửa chừng rồi thôi. Về eBook tôi có biết một chút, biết luôn cách dùng Sigil và Calibre để làm thành một cuốn eBook, nhưng chưa đi xa đến mức đưa được sách bày bán trên các cửa hàng lớn Amazon như Song Thao.

Tuy nhiên, tôi cũng cả gan viết bài “eBook” với hy vọng chia sẻ những gì tôi biết về loại sách điện tử đang hăm he “nuốt chửng” thị trường sách báo trong một tương lai không xa.

Trước tiên, có lẽ nên tìm hiểu coi: eBook là gì?
Có một quảng cáo thế này: “If you have a phone, you have a lawyer”, cũng tương tự: “If you have a phone, you have an eBook”. Một cách đơn giản, eBook (tạm dịch là “sách điện tử”, “sách ảo”) là sách không in ra giấy. Muốn đọc sách phải dùng smart phone, computer, tablet, iPad, smart tivi, v.v.
eBook có 4 ưu điểm chính:

1 – Không tốn giấy nên không tốn chỗ chứa.
2 – Dễ mang theo vì hàng ngàn cuốn sách có thể lưu trữ trong một tablet nhỏ.
3 – Chữ in có thể điều chỉnh to nhỏ tùy ý, thích hợp với con mắt lão.
4 – Giá tiền rẻ hơn sách giấy.

Với nhiều điều hấp dẫn như thế nhưng khi tôi gõ những giòng chữ này eBook vẫn còn khá xa lạ với người Việt chúng ta. Song Thao là một trong những tác giả Việt hiếm hoi có nhiều eBook trên Amazon dưới dạng Kindle.
Nhưng nếu nói eBook là “chữ đọc trên màn hình” thay vì đọc trên giấy thì nếu ta gõ bài trên email rồi gởi cho người khác đọc không lẽ cũng là eBook hay sao?
Dạ đúng, xét về mặt căn bản. Cho tới nay, viết và gởi qua email vẫn là cách nhanh chóng, đơn giản nhất để phổ biến những điều mình viết ra. Anh Song Thao có trang điện tử cá nhân là www.songthao.com, trên đó có nhiều bài viết, có thể đọc thẳng ở trển hay copy xuống, tự gom thành tập để dành đọc, hoàn toàn miễn phí.
Nhưng, cách đó không “ra” một cuốn sách.
Một cuốn eBook cũng phải giống một cuốn sách giấy, nghĩa là cũng có thể đặt lên quày hàng, có thể bỏ vào giỏ hàng để bán đi; và cuối cùng, người mua về sẽ mở ra coi như một cuốn sách thật.
Bạn còn nhớ những cảm giác tuyệt vời khi đi mua sách không? Một ngày rảnh rang, ghé tới tiệm sách. Bước vào tiệm thời gian như ngưng hẳn lại. Chẳng còn những tất bật bon chen, ở đây, chỉ còn bạn và sách. Sách nằm lặng lẽ chờ đợi bạn giơ tay cầm lên và mở ra. Bạn chọn một vài cuốn mua về. Trên đường, lòng tràn đầy háo hức, nghĩ tới những giờ phút sắp tới sẽ được sách đưa vào những thế giới kỳ thú.
Mua và đọc eBook cũng cho những cảm giác tương tự. Tôi thường vào trang Amazon, dạo một vòng, chọn vài cuốn có tựa hấp dẫn, đọc thử, mua, tải xuống máy. Và thế là mong mong tới lúc được mở tablet ra đọc.
Nhưng, mua sách online làm sao đọc thử mà biết hay dở thế nào? A, đó chính là cái dễ thương của Amazon. Không thể đánh giá cuốn sách qua cái hình bìa. Biết vậy, nên Amazon cho đọc thử phần mục lục và mấy trang đầu. Như thế, cũng có thể biết sơ sơ để quyết định nên mua hay không mua. Còn với các tác giả thành danh như Song Thao thì đã biết cái e của người viết rồi nên khỏi cần thử, cứ nhắm mắt đưa… tiền thôi.
Hiện nay, điều làm nhức đầu những người muốn xuất bản sách là tiền in sách và tiền gởi sách.
Mỗi lần in sách, bạn tốn hết bao nhiêu tiền? Tôi được biết, một cuốn sách cỡ 200 trang, nếu nhà in lấy rẻ cũng phải tốn từ 800 đến 1000 đôla. Mà rồi có chắc “tống khứ” được hết 200 cuốn ấy để khỏi chất đống trong nhà hay không? Như trường hợp Song Thao thì chắc chật ních luôn cái gara.
Đó là tiền in, còn tiền gởi bưu điện thì sao? Cái này mới lạ nha, giá xăng giảm nhưng giá cước phí cứ tăng vùn vụt, nhất là gởi ra nước ngoài. Anh Uyên Thao – vừa là “chủ nhân” vừa là “công nhân” của nhà xuất bản Tủ Sách Tiếng Quê Hương cho biết, sách gởi ra ngoài Hoa Kỳ thì giá cước phí thường ngang bằng hoặc có khi còn hơn tiền giá cuốn sách, tức khoảng từ 20 đôla trở lên. Eo ơi!
Nhưng rồi sẽ có người thắc mắc: “Thế thì đừng đưa nhà in để khỏi phải ôm một đống. Sao không in qua hệ thống “Print On Demand” của Amazon, ai mua thì ọc-đơ thẳng trên đó?
Đúng quá! Amazon đã ra tay cứu bồ đúng lúc khi thị trường sách giấy ngày càng trở nên èo uột. Tác giả gởi sách lên “quầy” Amazon sẽ được mua sách với giá đặc biệt (thường là 1/4). Như thế chủ nhân có một mớ sách để ra mắt, ký tặng bà con, và tha hồ ngắm nghía vuốt ve đứa con tinh thần mới chào đời.
Thêm nữa, Amazon còn gởi sách tới tận tay người mua giùm cho. Ở Pháp thì có Amazon-đót-France, ở Canada có Amazon-đót-Canada, ở xứ Căng-gu-ru thì có Amazon-đót-Căng … quên, Amazon-đót-Australia. Ở đâu in đó, ở đâu mua đó, khỏi mất công cụ rùa bưu điện khệ nệ khiêng sách băng qua biển lớn (có khi cụ rùa buồn tình đời, quăng tòm sách xuống biển làm tác giả méo mặt vì mất cả chì lẫn chài).
Vậy nếu có thể in và gởi sách giấy gọn-lẹ-rẻ qua Amazon thì làm eBook chi cho lôi thôi rắc rối? Cầm cuốn sách đọc vẫn thấy thích hơn chứ. Chưa kể, mình còn có thể đưa sách cho người khác mượn nữa.
Hà, lại đúng nữa. Chính vì biết thiên hạ vẫn khoái cảm giác cầm trên tay cuốn sách nên cửa tiệm nghĩ ra mánh, bớt tiền cho bản eBook. Giả sử sách giấy bán 20 đô thì bản eBook chỉ khoảng 10 đô. Giấy thiệt bán giá “cứng”, giấy ảo bán giá “mềm”, đâu có tệ đâu?
Nhưng nếu sách có cả hai loại giấy và ảo, tôi thích mua eBook hơn, vừa gọn nhẹ, vừa bớt tiền, dù đọc chữ trên màn hình vẫn thấy… lành lạnh sao đó chứ không ấm áp như đọc trên giấy.
Nhưng, vẫn có những tác giả “chảnh” lắm cơ. Điển hình là giáo sư Trần Quang Quyến. Ông vừa cho ra lò cuốn sách tướng pháp bằng tiếng Anh “Physiognomy: The Art of Reading People” trên Amazon. Sách có dạng vừa paper book vừa eBook . Nhưng giá tiền cả hai đều vẫn ngang nhau, 49.99 đôla. Thế là thế nào?
Tôi được nghe nói lý do cho đồng giá là có ý khuyến khích bạn đọc mua sách giấy thay vì sách ảo. Tôi ở gần nhà Giáo Sư, chạy qua mua cái ào, dễ ẹc hà; Nhưng, tôi vẫn thích mua eBook hơn, chỉ vì hai chữ “gọn nhẹ”. Tục ngữ ta có câu “Đường xa, cái bánh đa cũng nặng”, cái bánh đa nhẹ hều còn nặng huống chi cuốn sách, mà đây lại là cuốn sách tới 600 trang!
A, nếu nói về giá “mềm” thì không thể bỏ qua mấy cuốn Phiếm của Song Thao, chỉ có 5 đô/eBook, rẻ quá xá. Mại dô, mại dô, bà con ơi…
Nhưng sau khi anh Song Thao gởi vài cuốn eBook tặng bạn bè rồi thì mới biết một số người không mở ra được nên không đọc được.
Đó, đó, đụng tới cái vụ tếch-nô-lô-gi thì cũng rắc rối hổng kém gì phi-si-ô-gờ-nô-mi đâu. Bởi, không có cái “Áp” (App) đúng loại eBook thì không thể mở cuốn sách ra coi. Giống như nếu không biết câu “Mè ơi, mở cửa ra” thì dù thông minh cách chi Alibaba cũng khỏi có vào được trong kho tàng.
Về phía bạn đọc, eBook đòi hỏi phải có một số kiến thức về kỹ thuật như phải biết cách tải (download) những phần mềm ứng dụng (App), phải biết cách mua sách, biết mở sách, v.v. Nói chung, tuy không khó lắm nhưng cũng khá rắc rối.
Còn về phía tác giả thì sao? À, về phía tác giả thì còn rắc rối hơn. Ví dụ như với Amazon nhé. Bạn sẽ phải tạo tài khoản, phải đưa (upload) cuốn sách với bìa sách riêng, ruột sách riêng, rồi kiểm tra coi sách trông có đúng ý không, sửa tới, sửa lui ná thở. Đó là chưa kể nếu Trời thương cho sách bán được thì mỗi năm còn phải khai thuế với Ai-Rờ-Ét (IRS), lỡ lạng quạng quên béng đi coi chừng bị nhà nước Mỹ rờ gáy.
Kể sơ sơ một số điều như thế để thấy lý do tại sao quý vị đồng bào gia-đình-chúng-ta còn chưa mặn mà với eBook. Và đó cũng là lý do tại sao ai nấy cứ than trời như bọng rằng-thì-là tốn tiền quá, tốn chỗ chứa quá nhưng vẫn ra đều đều sách giấy.
Nói gì nói, eBook vẫn là cỗ xe tăng lỳ lợm tiến lên. Số lượng eBook bán ra ngày càng tăng, nhất là sách viết với những ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh có thể chu du khắp thế giới ta bà này.
Từ đó cho thấy, ngoài 4 ưu điểm vượt trội sách giấy vừa kể trên, eBook còn có một ưu điểm tuyệt diệu nữa:
Ưu điểm 5 – eBook có thể lọt qua sự kiểm duyệt của các nước độc tài.
Cho tới nay những cuốn sách bị cấm tại Việt Nam không thể gởi qua bưu điện, không dám nhờ ai cầm về; còn Amazon cũng chào thua, không muốn dính dáng tới bọn “nón cối” vừa hung vừa láo. Các sách này thường được chuyển qua email, người trong nước sẽ in “chui” với máy photocopy rồi truyền tay nhau đọc.
Nhưng, với eBook, bạn đọc Việt Nam vẫn có thể mua và tải xuống chỉ qua một cái nhắp chuột!
Nhưng, cái gì cũng có mặt trái của nó, bởi lẽ eBook không khó copy. Với một bạn đọc “có nghề” sẽ “bẻ khóa” cuốn eBook và chuyển đổi nó thành những dạng thông dụng hơn như PDF, Word, rồi “vô tư” phát tán khắp nơi. Còn tác giả của sách, một ngày đẹp trời nào đó, thay vì thấy tiền vào tài khoản thì chỉ thấy thấm thía câu “ở đời muôn sự của chung…”
Ủa, nhưng không phải đó chính là mong muốn của những người Việt quốc gia chúng ta hay sao? Không phải chúng ta muốn chuyển tải những thông tin trung thực tới cho người dân trong nước hay sao?
Một số tác giả đã chuyển sách qua dạng PDF để bạn đọc tải xuống dễ dàng. Trong đó có Nguyễn Liệu với “Đời Tôi”, Thụy Khuê với “Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc”, v.v. Ngoài ra, còn nhiều tác giả khác, như trang T.Vấn & Bạn Hữu có riêng tủ sách với trên 15 đầu sách hoàn toàn free!
Vậy nên lắm chứ eBook, nếu sách có nội dung vạch trần những sự thật mà nhà cầm quyền cộng sản đang tìm cách bưng bít.
Thế thì với câu hỏi: “eBook or not eBook?” đều tùy thuộc vào nội dung của cuốn sách và mục đích của người viết cuốn sách ấy.
Câu chuyện eBook còn dài lắm, nói hoài chưa hết đâu, nếu bạn có hứng thú về nó xin hãy lên YouTube hay Google, đã có nhiều hướng dẫn để thực hiện eBook (có cả tiếng Việt nữa, đừng lo).
Biết đâu chừng, bạn sẽ quyết định viết eBook và trở thành một trong những người tiên phong trong kỹ nghệ sách điện tử. Lúc đó, nhớ báo cho tôi biết, và nếu dễ thương… cỡ Song Thao thì xin gởi cho tôi một bản nhé.
Bước đầu nào cũng khó khăn, nhưng sau đó, bạn sẽ cười, bảo: “Ôi chiện nhỏ như con thỏ, i-tờ còn học đươc, email còn viết được, nhằm nhò gì ba cái… eBook!


Trịnh Bình An
Tết Nguyên Đán 2017

Sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1990. Hành nghề kỹ sư công chánh. Bắt đầu viết từ năm 2008 trên trang báo điện tử DCVOnline.net. Hiện cộng tác với Tủ Sách Tiếng Quê Hương thực hiện đặc san Tin Sách và Vietnam Film Club thực hiện các phim tài liệu. Liên lạc: tinsach.trinhbinhan@gmail.com