22 February 2018

THƯƠNG HIỆU GÀ NÒI ÔNG TƯ - Nguyễn Hiền


Ba coi ông như đứa con nít lên 5 chắc. Nó gọi cho ông than thở, con tía chú cho con đã bị ông anh vợ bắt rồi và hỏi mua con xám mà mấy ngày trước nó ghé nhà chơi và tiện tay dọn lông giùm.
Con xám của ông tai trích chưa đỏ, lông đuôi còn non nhưng đã nhảy thử 2 lần. Nó luồn lách nhưng nhậm như tép, chuyên trị mé, chưn đá reo, nghe răng rắc bắt mê.

Nó là lứa em của con tía mà ông đã cho Ba.
Ông hơi bất ngờ, chưa bao giờ ông nghĩ tới chuyện bán con xám nên ậm ừ một lúc rồi buột miệng nói, 2 triệu mày bắt được không?

Ba chê mắc rồi cúp máy.

Chê khen. Thói thường ở đời, hơi sức đâu mà giận người dưng. Hơn nữa, khi kêu giá con xám 2 triệu, nghĩ lại, ông thấy mình hớ và mừng khi bị chê mắc.

Ba kiếm cơm bằng nghề làm cửa nhôm, và chơi gà nòi kiếm chút cháo. Nó nuôi vài con chủ yếu là mua ‘bóng’, tức coi tướng tá, vảy vi, độ mạc… chê khen đủ điều và mua với giả rẻ mạt. Ôm về nhà nuôi vài bữa, xổ coi chưn đá, hên, gặp con hay bán lại với giá trên trời. Xui, gặp gà thường thường bậc trung cũng kiếm được tí đỉnh.  Thường thì nó ‘đàn giỏi hót hay’ nên cái nghề tay trái cũng có đồng ra đồng vào.
Quen biết Ba gần 5 năm, lúc đầu ông thấy nó chơi cũng được, biết nguời trên kẻ dưới. Gặp ông đâu, nó đều chào hỏi, thỉnh thoảng còn mời ông uống cà phê hoặc ăn sáng. Ở đời có qua có lại, chơi mới bền.
Còn ông sống một mình với  mảnh vườn trồng đủ các loại cây ăn trái: cam, quýt, bưởi, xoài, mít… quanh năm đều có trái ăn, trái bán nên lâu lâu ông mang một ít tới nhà cho hoặc kêu nó sang lấy về ăn.
Và thỉnh thoảng nó cũng qua nhà hỏi mua vài ký cam, vài ký quýt hoặc trái bưởi, trái mít… nhưng quên mang theo tiền rồi quên luôn. Cây nhà lá vườn, bao nhiêu đó, ông nghĩ không đáng gì nên không hỏi, không nhắc mà chỉ để bụng.
Năm ngoái, nó nói, vườn rộng…sao chú không nuôi gà nòi? Gà nòi bây giờ bán có tiền lắm…
Ông nghĩ cũng phải.
Hơn nữa, trước đây ông từng chơi gà nòi và rất có tay nuôi gà nòi.
Mấy năm nay, ông lo chăm sóc mảnh vườn nên chuyển sang nuôi gà thịt, gà ta thả vườn. Gà sạch đúng nghĩa bởi ông chỉ cho ăn toàn lúa và bắp. Ngoài ra, chúng được tự do đi bộ, chạy nhảy khắp nơi trong vườn, bươi móc, tìm kiếm ăn thêm những thứ mà chỉ có chúng mới biết đó là loại thực phẩm an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, gà nuôi kiểu này lâu lớn, phải mất từ 5-6 tháng mới đủ ký bán chợ, lời lóm không được bao nhiêu.
Nghĩ là làm. Ông bán sạch sẻ đàn gà ta, tìm đến nhà những người bạn năm xưa sống chết với gà nòi hỏi mua người này, xin người kia một con mái. Gom lại, ông có được 4 con mái mà theo họ, ra con đá hay và thường ăn độ.
Rồi Ba cho ông mượn con gà đúc mái.
– Gà ăn 2 độ, thế tốt lắm, chuyên đá sỏ ngang, trả triệu rưỡi con không bán…chú bắt về đúc mái.
Nhưng ông nghe lại, gà của nó chỉ ăn một độ, huề một độ do bứt mỏ trên còn có ai trả triệu rưỡi không thì chỉ mình nó biết.
Thường yếu tố di truyền của gà nòi đến 70% là do mái mẹ. Còn con cồ chỉ đóng vai phụ, một hay hai độ cũng như nhau, miễn là to cao, khỏe và thế thần cho tốt là được.
Lục đục, ngày tháng qua đi. Đến cuối tháng 8 âm, gà chơi tết của ông cộng 2 lứa hơn chục con, trích tai thòng thểnh, lông cánh, lông đuôi đã già cũng là lúc chúng ghét nhau vì tiếng gáy, quên tình nghĩa anh em thân thiết, trên  thuận dưới hòa, sáng kéo nhau đi kiếm ăn, chiều rủ rê nhau về chuồng, tối tranh chỗ ngủ cắn mổ nhau kêu chí chóe mà thay vào đó là cảnh giáp chiến loạn xạ, con này đá con kia, con kia đá con nọ…
Đây là thời điểm mà bản thân của những con gà nòi đòi hỏi là nên tách chúng ra khỏi bầy, nuôi riêng từng con, tạo cho chúng một bộ mặt mới, đó là cắt tai lắt trích và dọn lông cho ra dáng một con gà đá.
Sau khi trích tai lành lặn và ửng đỏ tiệp với màu da , ông kêu Ba qua nhà lựa một con, bắt về chơi. Sau một hồi ngắm nghía, coi vảy vi, độ mạc, cuối cùng Ba chọn con tía.
Ẵm về được mấy bữa, Ba xổ thử, mới đá vài cái nó bỏ chạy. Ba gọi, nói ông bắt lại nuôi. Gà còn non, hơn nữa lại lạ người, rót là chuyện thường. Ông kêu nó, ráng nuôi thêm ít bữa nếu đá không được thì thịt.
Chừng nửa tháng sau, Ba lại gọi, khoe, gà lườn đôi, trăm con mới có một, chân đá rát rạt, kêu ông qua coi.
Ông chơi gà đã nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên mới nghe nói gà lườn đôi.
Đúng là lườn của con tía rất khác thường. Nó phẳng lì như tấm thớt và rộng cỡ bàn tay xòe, không có đường sóng nổi lên như những con gà khác hay nói khác hơn là nó không có lườn.
-Đá đau lắm, thế lại tốt nữa… luồn lách tránh đòn không con nào đá được nó.
Nghe nó nói, ông hơi tiếc một chút nhưng rồi mừng cho nó và mừng cho cả ông. Món nợ con gà đúc mái coi như ông đã trả xong.
Ngồi chơi một lúc, loanh quanh chuyện gà, tay nó không rời tay khỏi con tía rồi đột nhiên nói, con này tầm phải trên 10 triệu.
Nuôi được một con gà hay ai cũng muốn khoe. Tâm lý chung của dân chơi gà nòi là vậy, muốn chia sẻ với mọi người nhứt là những người thân quen, ông cũng khoe với nó con xám. Tuy nhiên, nó đang mê mẫn con tía chỉ ừ hử cho qua chuyện.
Rồi Ba qua nhà chơi, tiện tay dọn lông con xám, nó khoe tiếp, mới xổ 2 hồ (hồ=25 phút), 2 con… thế quá tốt, không con nào đá được nó…ít bữa nữa kiếm độ kẽm.
Ông rất muốn coi chưn đá của con tía hay tới mức nào.
– Chừng nào đá, gọi tao, theo ít trăm kiếm tiền mua lúa… cho gà ăn.
– Kiếm tiền lúa hay…không có đồng nào.
Nghe nó nói, ông hơi lạ. Phàm một con gà kết chuẩn bị ra trường, ai cũng tin tưởng vào gà của mình.  Kiểu nói của Ba rất khác với dân chơi gà nòi.
Giờ ông hiểu ra. Nó nói kiếm độ kẽm nhưng thực ra là nó kêu ông anh vợ ở thành phố ra coi chưn đá để bắt gà.
Dân chơi gà nòi, chỉ nói mua bán với người lạ, còn với người quen thường là bắt nhưng không phải bắt không mà bắt trả tiền.
Ông anh vợ đưa nó bao nhiêu để bắt con tía?
Sau khi hỏi mua con xám không được, Ba lơ dần với ông. Mượt kệ. Ăn cho buôn so, ông không có thời gian để nghĩ ba cái chuyện tào lao.
Ông làm lắt xắt suốt cả ngày, hết việc nọ đến việc kia. Mới mờ đất ông đã có mặt trên vườn, rảo quanh từng gốc cây, dòm lên ngó xuống coi cây này có bị sâu ăn lá, sâu vẽ bùa tấn công không, cây kia có bị bệnh gì không, rồi nhìn những trái cam, trái bưởi đang chuẩn bị thu hoạch còn hay mất… vân vân và vân vân. Rồi khi thì tưới nước, khi thì bón phân, khi thì phun thuốc trừ sâu bệnh… Việc nhà, khỏe làm mệt nghỉ. Làm cho vui bởi ông nghĩ, tuổi già ăn không ngồi rồi dễ sanh đau bệnh.
Nắng lên, ông trở vào nhà, mang gà ra tắm nước trà rồi cho phơi nắng. Tầm trưa lại mang gà vào. Chiều cho gà ăn. Hết ngày.
Trong thời gian qua, gà của ông chỉ núp kỹ sau đống rơm, nghĩa là loanh quanh ở lối xóm xây xổ hoặc gà nhà bôi mặt đá nhau, hay dở mình ông biết. Muốn có tiếng tăm, gà của ông cần phải tìm đường ra cửa sông rồi ra biển lớn. Cửa sông là trường làng, dành cho dân quê, đá chóc chen vài ba triệu và lo sợ công an ập đến lúc nào không biết. Còn biển lớn là trường huyện, được cấp phép, có bảo kê, dành cho các đại gia chơi gà ăn thua từ hàng trăm triệu đến bạc tỉ. Vượt qua 2 cửa ải này, tiếng tăm gà của ông sẽ nổi như cồn và quan trọng hơn là bán được giá theo ý muốn.
Gà nào mà không thua. Tuy nhiên dân chơi gà nòi kị nhứt là thua đau thua đớn vì thiếu chưn xây chưn xổ bởi một độ gà có thể giải quyết thắng thua trong vòng 2-3 hồ nhưng cũng có thể kéo dài suốt ngày. Máu me, thương tích đầy người nhưng chúng vẫn chiến đấu kiên cường và phần thắng lúc này thường nghiêng về những con còn chưn đá bởi cái luật bất thành văn 3 bắt 3 thả.
Đó là khi 2 con gà đều đuối sức, không còn cắn mổ, tranh hơn tranh thua đòn đá, luật cho phép chủ kê hoặc tay cho nước gà lần lượt thay phiên nhau ẵm con gà của mình lên (bắt) và bằng cách nào đó (thả) cho nó cắn mổ hoặc đá đối thủ. Và sau 3 lần bắt thả, nếu còn gà nào không còn mỏ để cắn mổ hay không còn chưn để đá thì bị xử thua.
Trò chơi nào cũng có luật chơi riêng. Chấp nhận chơi là phải chấp nhận luật chơi.
Vì vậy, việc rèn luyện thể lực cho gà được đặt lên hàng đầu. Một con gà trước khi ra trường cần phải trải qua một thời gian dài huấn nhục với 3 lần xổ, 4 lần xây. 3 xổ để coi sở trường của nó, chẳng hạn, con này sở trường đá hầu, con kia đá mé, con nọ chuyên đá vớt ót…, và coi chưn đá có thiệt chưn không, có đòn gãy không…Còn 4 lần xây, mỗi lần kéo dài khoảng 3-4 hồ là để rèn luyện thể lực, sức dẻo dai…Ngoài ra còn phải thường xuyên phơi nắng cho gà để da thịt săn chắc và tiêu hao bớt lượng mỡ thừa trong cơ thể.
Lục đục, năm hết tết đến và sau nhiều vòng đá loại, ông chọn  ra 2 con mà ông tin tưởng nhứt, ẵm ra trường làng thử thách. Riêng con xám,  con bài tẩy, ông giấu kỹ.
Làm ăn quanh năm, đầu tắt mặt tối, dân quê như ông dành dụm được ít đồng mong tới tết để có dịp chơi xả láng. Và nơi tập trung đông đảo, không thiếu tiếng chửi thề, tiếng hò hét là ở các trường gà lớn nhỏ đủ kiểu mọc tạm lên để dáp ứng nhu cầu xả xui, lấy hên đầu năm.
Ông phải mất 3 ngày, từ mùng một tới mùng ba mới cáp được gà. Gà nhiều, tha hồ mà cáp. Không ai chịu nhường ai cho dù nặng hơn một lạng hoặc cao hơn một phân gà.
Thần may mắn đã mỉm cười với ông. Cả 2 con ông ẵm ra trường đều ăn độ hết sức oanh liệt, chưa đầy 3 hồ đã hạ gục đối thủ. Ăn xuôi, không có kịch tính nên dân chơi gà đường xa, liên tỉnh rất mê, đặc biệt là  chưn đá và cái thế luồn lách né tránh đòn, và ra mặt là đá 3 đá 4, hỏi mua ngay. Dĩ nhiên, dại gì mà ông không hét giá trên trời.
Ấm túi với tiền ăn độ và tiền bán gà, ông dốc hết vốn liếng đặt cược vào con xám.
Gà của ông đã ra tới cửa sông.
Qua rằm, bầy gà hơn chục con, ông cho đi sạch sẽ. Riêng con xám, có người trả đến ba chục triệu nhưng ông không bán. Nó xứng đáng với mức giá cao hơn và ông đang chuẩn bị cho nó ra biển lớn.
Gần cuối tháng giêng, Ba dẫn theo ông anh vợ tới nhà ông. Nó dớn dác nhìn quanh sau khi thấy cái mái hiên, nơi mà trước tết hơn chục con gà đang ụp giỏ nuôi thi nhau gáy, giờ trống trơn, lạnh tanh.
– Bán hết rồi… hả chú…Con xám còn không chú…?, nó hỏi.
– Ờ…bán hết rồi…nhưng con xám thì còn …
– Chú bớt đi… ông anh con bắt cho…2 triệu mắc quá…
Ông cười, nói
– Mày trả ba chục triệu cũng còn tiền…
– Hôm trước chú nói 2 triệu mà…
– …Đó là lúc chưa ăn độ…
Ba chưng hửng
– Đá hồi nào…Sao chú không kêu con…
– Đá ở cây Me. Ăn chưa tới 2 hồ, chạng 8/10…, ba chục triệu tại chỗ, tao chưa bán…
Ba ngẩn người
– Vậy hả…
Im lặng nãy giờ, lúc này,  ông anh vợ của Ba mới lên tiếng
– Chú cho con coi con xám được không…?
– Ờ…được
Gà ba chục triệu không bán, con xám là khách VIP, có được đặc quyền ăn ngủ trong nhà, phòng kẻ gian lẻn vào ẵm trộm.
Ông vào nhà bắt con xám ra.
Ông anh vợ Ba ẵm lên coi…
Lúc này, ông mới tiết lộ, nó có cái vảy nhét. Đó là cái vảy mà dân chơi gà gọi là yểm long, hàng ngàn con mới có một. Vảy này nằm kín kẻ trong cái vảy nối ngón chúa với bàn chưn và chỉ thấy khi bẻ cong ngón chúa (ngón giữa).
– Giờ chú bán bao nhiêu?
– Năm chục…
Ông anh vợ của Ba sau khi bẻ cong ngón chúa lên coi, anh ta không nói mà lặng lẻ móc túi lôi ra một cọc tiền giấy năm trăm.
– Chú đếm lại đi…
Biển lớn chỉ dành cho các đại gia, dân quê không có cơ hội. Con xám của ông sẽ ra biển lớn với người chủ mới.
Trong lúc ông đếm tiền, anh ta thong thả kể, con tía của Ba ăn 2 độ, một cái trước tết và một cái sau tết.
– Con đá hầm một cục. Con nào cũng gà ‘kết’. Quăng bắt làm gì cho mệt. Mới thả gà, con kia chấp nhưng vô kèo con tía chấp lại, chấp lún xuống. Thế nó quá tốt. Luồn lách né đòn nhưng ra mặt là đá hai đá ba. Nó đá cái ngang, đá chết một mang. Hai hồ sạch sẻ.
Một cục là bao nhiêu, anh ta không nói rõ nhưng ông biết với những đại gia chơi gà, một cục là hàng trăm triệu, thậm chí là tiền tỉ. Với ông năm chục triệu là lớn nhưng với họ không là cái đinh gì.
Anh ta còn hỏi, chú còn lứa nào không?
– Còn 5 con…khoảng một tháng nữa cắt trích…
– Chú để cho con luôn đi…
Ông lắc đầu. Ông không thích bán lúa non. Vài người nài nỉ mua trụm với giá 10 triệu nhưng ông hẹn đợi xổ thử, coi chưn đá rồi tính sau. Gà của đã có thương hiệu, gà nòi ông Tư, ông không vội gì bán.

Nguyễn Hiền