20 February 2018

VUI TẾT ĐỜI TÙ- Đinh Quang Anh Thái


Ơ kìa, tù mà vui sao được?
Vậy mà vui đấy. Không vui làm sao sống sót trở về.
Sau ngày 30 tháng Tư 75, cả nước vào tù. Trước đó, nửa nước, đồng bào miền Bắc đã thế rồi. Ngưòi ở ngoài thì tù trong nhà tù lớn. Người ở trong thì tù trong nhà tù nhỏ.
Thế nên, chẳng có gì để xem tù là thành tích ghê gớm. Nghĩa là, đi tù trở thành bình thường như hơi thở, duy có lúc “hỗn hễn” thôi.

Chuyện chàng Lợi.
Lợi vào tù năm 22 tuổi, bị bắt vì tội tham gia tổ chức phục quốc. Trước 75, chàng là hạ sĩ quan địa phưong quân. Lợi bảo: “Khi không mà thua, tức đíu chịu được”. Thế là chàng bèn cùng một số đồng đội cũ tự tìm đường vào bưng biền chiến đấu. Xui tận mạng, bị công an chúng nó “gài” nên Lợi bị bắt giải vào T20 Phan Đăng Lưu trong một đêm khuya Tháng Ba năm 78.

Phòng giam tập thể số 5 khu C2. Bề ngang khoảng 5 thước, bề dài khoảng 12 thước, có lúc cao điểm của các đợt truy bắt, phòng chứa tới 60 con người. Ăn ngủ nghỉ iả đái tắm giặt như “lợn” trong chuồng. Mùi hôi đến nỗi, mỗi sáng chiều công an coi trại mở cửa vào phòng điểm danh, phải bịt mũi. Nhưng với tù, mũi bị “điếc”, quen rồi.
Trưởng phòng là Phan Văn Song do tù bầu lên. Ông “Tây con” Phan Văn Song, vợ đầm 100%, Giám đốc hãng bia nước ngọt BGI, vào tù vì bị nghi là “Phòng Nhì của Pháp”. Lệnh của trưởng phòng, vì số nước giới hạn, mỗi ngày, một người chỉ được hai phần nưc đo bằng cái nón sắt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa thời trước 75. Tất tật mọi sinh hoạt chỉ có bấy nhiêu nước thôi, ngoại trừ bị tiêu chảy.
Lợi có thể chất lạ lắm. Ăn uống chỉ có lưng chén bo bo hoặc cục bột luộc nửa sống nửa chín bằng nắm tay trẻ nít kèm nửa bát canh “đại dương” mặn muối, vậy mà Lợi “bắn máy bay” thường xuyên. Nôm na là xuất tinh trong giấc ngủ.
Trưa 30 Tết năm 78, “Ông Tây con” có thăm nuôi, một quả trứng gà sống bị vỡ. Tôi xin anh Song phần lòng trắng. Chẳng phải để ăn. Đúng giờ ngủ trưa, sau tiếng kẻng cả trại im phăng phắc. Đợi Lợi ngủ say, tôi rón rén đổ hết chỗ lòng trứng trắng vào quần Lợi và cùng anh Song ngồi chờ. Quả thật, như một bài hát của các văn công miền Bắc sáng tác ca ngợi chiến công bắn máy bay Mỹ, “kià nòng pháo đã vươn lên trời cao”, rõ ràng Lợi đang mơ đến ...bà Nguyễn thị Định trong giấc ngủ đời tù.*
Kẻng trưa dứt giờ ngủ. Lợi ngồi bật dậy càu nhàu, “Đ.M lại nữa rồi” và xin trưởng phòng nửa nón sắt nước vì “đây là trường hợp đặc biệt”.
Theo lệnh trưởng phòng, tôi theo Lợi vào chỗ tắm. Lợi dùng tay quẹt chỗ quần ướt rồi đưa lên mũi hửi miệng lầm bầm, “Đ.M quần trong không ướt mà sao quần ngoài ướt vậy trời!”. Tôi nín cười bảo, chắc nòng pháo trật ra ngoài đó mà.
Chúng tôi chia tay nhau năm 79, tôi bị chuyển qua T30 Chí Hoà, Lợi đi lao động. Không biết bây giờ Lợi ra sao?
Nhớ lại trưa 30 Tết năm nào ở T20, Lợi bị lỡm, bảo đời tù không vui sao được?
Sáng mai ăn gì và sao hửi tay hoài vậy?
Hai anh em Hòa và Đức trẻ lắm, bị bắt vì tội vựợt biên. T20 thời 1978 có lúc là nơi tạm giam tù vượt biên, còn ngoài ra đều là những người bị bắt vì chính trị, hoặc dính dự trước 75 hoặc sau ngày “xẩy đàn tan nghé” này.
Ngày đầu tiên bị đẩy vào phòng 8 khu C2 đúng lúc gần Tết, Hòa và Đức cho anh em tù cũ biết là khi bị bắt có ít tiền và đã đăng ký gửi cán bộ trại giam. Bạn tù bèn chọc ghẹo, sáng mai muốn ăn gì thì phải “đăng ký” và nhờ trưởng phòng dùng tiền của mình ký gửi để mua, chứ trại giam không cho cái ăn sáng đâu; và trại chỉ mua giùm bánh mì thịt hoặc bánh bao thôi, còn hủ tiếu và cháo cá thì chỉ đầu tháng mới có.
Thế là hai anh em bàn với nhau, thoạt đầu, mỗi đứa ăn một món cho đã, sau vì muốn dè sẻn ăn lâu nên rút xuống chỉ còn hai đứa một ổ bánh mì thịt. Khi Hòa đến nói với trưởng phòng xin “đăng ký” mua thức ăn sáng, trưởng phòng cười hô hố và nói, anh em ở đây thằng ít nhất cũng hơn 2 năm rồi mà chưa bao giờ có bánh mì thịt ăn sáng, hai chú mày chắc cha người  ta quá. Hòa “quê” quá cỡ.
Hòa và Đức còn bị diễu vì chuyện khác.
Chả là, vì trại giam cấm ngặt dùng giấy đi cầu và vì nước phân phát rất ít, nên số nước mỗi người có phải dành ưu tiên để uống. Còn rửa chén, rửa mặt và rửa . . .đ. .. thì vô cùng ít. Thành ra, làm gì có chuyện rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Chính vì lẽ đó, bất cứ ai, nghĩa là tất tật, những ngày đầu tiên của đời tù thường bị thói quen là sau khi từ nhà cầu ra, cứ len lén quan sát xem có có ai nhìn mình không, rồi đưa năm ngón tay trái lên mũi ngửi. Tưởng không ai thấy, mà ai cũng thấy cả đấy. Và ai cũng từng bị cười vì chuyện ấy rồi. 
Cụ Vũ Văn Mão là bị cười nhiều nhất. Vì cụ còn không đánh răng nữa cơ chứ.  Lúc sống chung với cụ Mão ở phòng 14 BC Chí Hòa, răng của cụ chỉ còn lơ quơ vài cái. Gần 80 rồi còn gì. Sáng mùng Một Tết năm 81, người đàn em cũ của cụ hồi còn ngoài đời là ông “Hải con” trân trọng đến chiếu nằm của cụ để chúc Tết cụ bằng mấy cau thơ ông vừa tức cảnh sinh tình. Xui cho ông Hải, đúng lúc cụ Mão đang nhớ nhà, mà ông Hải lại bị cái tật “nói dai nói dài nói dở”, đó là chưa kể thơ của ông không mấy gì đúng vần diệu, nên bị cụ Mão quát, “chúc chúc cái con buồi”.
Thế là cả ngày Mùng Một Tết, ông Hải vừa vuốt chòm râu lơ thơ vài sợi dưới cằm, vừa đi qua lại trong phòng, miệng cứ ư ử:
“Quanh năm chẳng thấy đánh răng,
Nghe thơ không hiểu còn văng ứ ư . . .con buồi”.
Những chuyện như thế mà bảo đời tù không vui à?
Pị pắt vì dăt chó li lái”
Cuối năm 81, khoảng một tháng nữa đến Tết Ta, đột nhiên công an trại giam T30 Chí Hòa lên từng phòng bắt lập danh sách những người trên 55 tuổi. Sau khi trưởng phòng nộp danh sách cho trại, phó trại Ba Thùy gọi từng nguời có tên trong danh sách ra hỏi, nếu được về, hộ khẩu của anh ở đâu?
Ai cũng “anh” tất, 50 cũng “anh”, 70 cũng “anh”, 90 cũng “anh”. Văn hóa xã hội chủ nghĩa mà?
Không chỉ một lần, đích thân Ba Thùy đến từng phòng hỏi đi hỏi lại ba bốn lần; và còn cho những “anh” trên 55 viết thư về nhà hỏi kỹ xem hộ khẩu đăng ký chính thức ở phường nào, quận nào?
Thế là sắp về chứ còn gì nữa. 
Các “anh” trên 55 hy vọng tràn trề, còn các “anh” chưa tới tuổi thì vui cách khác, không về thì mong thăm nuôi ngày Tết vậy. Mong thêm muối mè, thêm chút đường, thêm chút mắm ruốc, thêm chút thuốc lào…
Năm hết, Tết đến, đời tù của cụ Nguyễn Tiến Hỷ còn bị xui vì “khuê danh” của cụ bà.
Thư nhà đến, các cụ bị một tay công an gốc Hà Tĩnh là Hai Tải gọi ra “làm việc”.  Gằn giọng, Hai Tải hỏi, các “anh” không thành thật khai báo, các anh còn dấu diếm cách mạng, “khuê danh” Nguyễn Thị … có phải là bí danh của anh Hỷ không. À thì ra thế. Cụ Hỷ ngớ cả người mà không dám cười. Thưa, khuê danh là tên phụ nữ lúc còn con gái chưa về nhà chồng đấy ạ, chứ không phải bí danh gì đâu.
Chắc là Hai Tải cũng không dè mình dốt đến thế, nhưng chẳng lẽ thú nhận. Thôi đã lỡ chót thì đành phải chét, “anh mà không thành thật cách mạng sẽ trừng trị thẳng tay đó nghe.”
Cụ bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, bí danh Phan Trâm, đảng phó Đại Việt Quốc Dân Đảng của lãnh tụ Trương Tử Anh, và từng là Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, khi về lại phòng giam, cụ ngán ngẩm thốt lên rằng, giặc dốt sẽ tàn hại  đất nước.
Hai mươi ba Ông Táo về trời, rồi 24, 25, . .., 28 và cuối cùng là chiều Ba Muơi Tết. Kẻng trại giam báo hiệu giờ phát cơm chiều và cũng có nghĩa là hết các hoạt động hành chánh, hết giờ cho thăm nuôi tù. Phòng giam thật buồn. Buồn vì các “anh” trên 55 không được gọi tên về. Buồn vì nhận quà thăm nuôi của gia đình, ai cũng thương cảm cho sự hy sinh của cha mẹ vợ con phải chắt bóp nuôi tù, trong khi miếng ăn bên ngoài không dễ kiếm.
Chín giờ tối Ba Muơi, đột nhiên những tù nhân hình sự đã lãnh án đuợc giao công tác lo cơm nước cho trại đi cùng Ba Thùy đến trước cửa từng phòng, quát to, các anh nghe đọc tên: Hạng Văn Giai, Nguyễn Tiến Hỷ, Vũ Văn Mão, Đào Văn, Thái Lăng Nghiêm, Vũ Hữu Bính. . .
Ôi! Tất cả đều là các “anh” trên 55 tuổi.
Thế là không khí như chợ vỡ.
“Các anh có tên lấy ca ra nhận nước sôi của trại”, Ba Thuỳ bảo.
Thế là thế nào?
À! Thì ra là thế. Trại giam xưa nay cho tù uống nước lạnh từ bể chứa tập thể, Tết năm nay “cách mạng khoan hồng, bồi dưõng cho các anh lớn tuổi mỗi người một ca nước sôi đón năm mới.”
Nhìn cảnh các cụ râu tóc bạc thò ca qua chấn song sắt nhận nuớc sôi, ký giả Đòan Kế Tường viết cho tờ Sóng Thần trước kia, ngồi tù vì tội phục quốc, đọc cho tôi nghe mấy câu thơ Tường vừa viết:
“Vì mẹ ngày xưa ước mơ con lớn lên làm người Tự Do nên con đứng lên hát vang lời phẫn nộ
Không có súng trong tay con lấy thơ bắn vào chế độ
Cười trên gông  cùm và khinh mạn xích xiềng.. .”.
 Trong số các “anh”  được uống nước sôi, có “anh” Dư Cẩm Tân.
“Dư Cẩm Tân bị bắt vì tội gì?”, Ba Thùy hỏi.
“Báo cáo cáng pộ, tui pị pắt vì tội dắt chó li lái”, ông Dư Cẩm Tân Trả lời.
“Anh” Dư Cẩm Tân 62 tuổi, người Hoa ở Chợ Lớn, làm nghề thợ may, sống một mình không vợ không con. Chỉ có mỗi con chó bầu bạn trong nhà. Vào một đêm tháng Hai 1979 khi Trung Cộng đem quân “dậy một bài học” cho đàn em Việt Cộng, ông Dư Cẩm Tân theo thói quen dắt con chó ra con hẻm trước nhà cho chó đi đái. Ai dè trong hẻm xuất hiện truyền đơn của Trung Cộng, nên ông bị công an Việt Cộng “tó” vào trại giam.
Đêm Ba Mươi năm đó, trong không khí tĩnh lặng đến rợn người của trại giam, ông Tân lầm bầm, “Tết mà cho uống lước sôi, lem  bắng mẹ ló cho dồi”.
Chuyện tù của ông Tân không vui sao được?
Trong đầu có ăngten của CIA
Thọ quê ở Vĩnh Long, mới tròn 21 tuổi thì bị bắt dịp Tết năm 1980 về tội liên lạc với mấy ông Hòa Hảo tổ chức kháng chiến. Thọ chất phác, chỉ phải mỗi tội, cứ đúng lúc cả phòng yên giấc ban đêm, Thọ lại “tỉnh như ruồi” vào nhà vệ sinh đi cầu.
Thật ra, đi cầu ban đêm không phải một tội. Nhưng vì phòng giam đông quá, bà con trong phòng quy định chỉ đi vệ sinh ban đêm khi bất đắc dĩ mà thôi, để tránh tiếng động gây mất ngủ cho mọi người. Mà Thọ đêm nào cũng ngồi quá lâu trong cầu, trưởng phòng nói cũng không chịu nghe.
Cuối cùng rồi cũng có kế.
Tất cả là nhờ một vết sẹo dài trên đỉnh đầu của Thọ, trông rõ mồn một vì không có sợi tóc nào mọc được. Một hôm, tôi ra điều bí bí mật mật nói với Thọ, cẩn thận đấy nhé, có người xầm xì là bạn làm tình báo cho Mỹ đấy, CIA nó gài bạn vào tù đấy, cho nên đêm đêm bạn mới vào nhà cầu dùng cái máy CIA cài trong đầu bạn để truyền tin ra ngoài; bạn coi chừng công an trại giam nó biết, nó lôi bạn ra bổ đầu tìm cái máy là bạn chết.
Thế là không bao giờ Thọ đi cầu ban đêm nữa. Mọi người trong phòng bảo, “Thọ nó đổi giờ chuyển tin cho CIA vào ban ngày rồi.” (hu hu ha ha hi hi).
Dĩ nhiên, bịa chuyện cái máy trong đầu như thế là ác, nhưng đời tù vui được chút nào thì sao lại bỏ qua chớ?

(Virginia 1987)
Đinh Quang Anh Thái